Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Đăk Nông: trồng tiêu bằng cây trụ sống

Việc sử dụng cây sống để làm trụ tiêu không những góp phần giảm chi phí ban đầu cho người sản xuất, mà còn giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định.

Trồng cây muồng đen để làm trụ sống cho hồ tiêu
Anh Lê Hữu Dũng, ở xã Đắk N’drung (Đắk Song, Đăk Nông) chọn cách dùng trụ cây sống để trồng tiêu đã gần 10 năm nay cho biết: “Qua nhiều năm chăm sóc, tôi thấy dùng trụ bằng cây sống để trồng tiêu vừa ít bị sâu bệnh và thời gian thu hoạch cũng dài hơn”.
Còn anh Vương Đình Trọng ở cùng xã cũng nói: “Những năm gần đây, tôi bắt đầu dùng trụ bằng cây sống để trồng tiêu thấy vừa có thể che bóng mát cho tiêu vừa hạn chế được nguồn bệnh lây lan”.
Theo tính toán của nhiều nông dân thì để trồng được 1ha hồ tiêu với mật độ 2,5×2,5m, thì phải đầu tư vào khoảng 100 triệu đồng để mua trụ cây khô, đó là chưa tính đến phân bón, giống. Trong khi đó, nếu trồng bằng trụ cây sống thì chi phí rất ít, chỉ bằng 1/3. Như vậy, việc sử dụng cây sống để làm trụ tiêu không những góp phần giảm chi phí ban đầu cho người sản xuất, mà còn giữ vững môi trường sinh thái, giúp cây tiêu phát triển ổn định.
Có thể nói, những năm gần đây, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây hồ tiêu, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc dùng cây sống làm trụ để trồng tiêu. Các loại trụ cây sống thường gặp là lồng mức, mít, keo dậu, muồng cườm cẩm lai… tùy theo sự lựa chọn của từng hộ nông dân.
Trong đó, cây muồng đen (Cassia siamea) là một trong những loại cây dùng làm trụ cho tiêu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Khi được trồng với mật độ thích hợp và rong tỉa cây trụ sống hợp lý, nhiều mô hình trồng tiêu trên cây muồng đen đã đạt được năng suất rất cao, từ 4-5 tấn tiêu/ha.
Keo cũng là một trong những cây trụ sống được nhiều người lựa chọn vì lá nhỏ, vừa có khả năng che mát, nhưng vẫn có tán xạ đủ ánh sáng cho tiêu quang hợp. Bên cạnh đó, keo là cây họ đậu nên nó không cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây tiêu và có ưu điểm là lớn rất nhanh và có tuổi thọ cao.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Triển vọng cây tiêu trên trụ cây cẩm lai

Triển vọng cây tiêu trên trụ cây cẩm lai



Cập nhật lúc 07:36, Thứ Ba, 07/05/2013 (GMT+7)


(QBĐT) - Trước đây, khi nói đến làm trụ cây tiêu, người ta thường nghĩ ngay đến cây mớc, cây gòn, cây trôm, cây bời lời, cây muồng đen, hông, keo..., ít ai mạnh dạn phối hợp giữa cây kinh tế vườn và kinh tế lâm nghiệp nhằm đem lại giá trị kinh tế lâu dài như việc trồng kết hợp cây tiêu trên trụ cây cẩm lai. Đây được coi là mô hình mới nhưng hiệu quả bước đầu khả thi và có tính bền vững.




Cây cẩm lai là một loại cây lấy gỗ, giống cây rất phù hợp với khí hậu, đất đai thổ nhưỡng ở tỉnh ta. Cây cẩm lai được chọn làm trụ cây tiêu lá rụng xuống không gây ô nhiễm môi trường. Gỗ cây cẩm lai càng to càng đắt giá. Đặc biệt loại gỗ này được người tiêu dùng rất ưa chuộng dùng để tiện đồ mỹ nghệ cao cấp, giá trị mỗi khối gỗ cẩm lai có giá hàng trăm triệu đồng. Riêng cây tiêu sau 2 đến 3 năm trồng kết hợp với cây cẩm lai sẽ cho thu hoạch lứa tiêu đầu tiên.


Cây tiêu càng lớn đầu tư càng ít nhưng số lượng, chất lượng và lợi nhuận càng cao. Hồ tiêu rất dễ bán và có đầu ra ổn định, không sợ rớt giá so với nông dân trồng lúa, trồng cây cao su và các loại cây trồng rừng khác vì thế lợi nhuận đưa lại cho người nông dân là rất lớn. Sự kết hợp trồng trụ tiêu từ cây cẩm lai sau 10 đến 30 năm khi cây tiêu bắt đầu tàn rụi thì người trồng cây có một lượng gỗ cẩm lai khá lớn cho giá trị hàng chục tỷ đồng. Cây cẩm lai được xếp vào gỗ ngoại hạng, đã và đang được sử dụng nhiều. Việc trồng phối hợp vừa làm trụ cho cây tiêu, giống cây cẩm lai vừa được bảo vệ, bởi loại cây cho gỗ quý này đang trở nên hiếm dần.


Ông Phan Văn Lý, Chủ nhiệm HTX sản xuất cây giống và cây trồng lâm nghiệp xã Thanh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Tôi đã hướng dẫn cho bà con làm trang trại trồng thử nghiệm trụ tiêu bằng cây cẩm Lai. Rất mừng là đã thành công ở nhiều địa phương như xã Trường Xuân (Quảng Ninh), huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch và Lệ Thuỷ. Và ngay bản thân tôi cũng trồng thử nghiệm 1 ha trụ tiêu cây cẩm lai, tại xã Dương Thuỷ (Lệ Thuỷ), hiện cây đã được gần 3 năm tuổi, phát triển rất tốt và sắp đến đợt thu hoạch hồ tiêu”.






Giá trị kinh tế cây tiêu được cải thiện nhờ trụ cây cẩm lai.



Có thể nói, cây tiêu là loại gia vị được người tiêu dùng rất ưa chuộng trong chế biến thực phẩm. Cây tiêu khi được phối hợp trồng leo trụ cây cẩm lai không những không bị ảnh hưởng về chất lượng hay số lượng mà ngược lại khá "hợp" để phát triển tốt và bảo vệ bền vững. Cây cẩm lai càng to trụ tiêu càng chắc, lá và cành cây cẩm lai che chở cho tiêu. Cây tiêu luôn được râm mát, ít bị mất nước, ít bị sâu bệnh và "tương trợ" vững chắc.


Đối với những vùng cây hồ tiêu phát triển mạnh, năng suất hồ tiêu thường đạt từ 2,5 đến 3 tấn hạt/ha và giá bán vào những năm hồ tiêu được giá là từ 50.000 - 60.000 đồng/kg thì 1 ha hồ tiêu sẽ mang lại giá trị từ 130-180 triệu đồng. Vào thời điểm giá thấp nhất (từ 25.000-30.000đồng/kg) thì 1 ha trồng hồ tiêu cũng đem lại giá trị từ 60-90 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.


Theo ông Lý: Mặc dù trồng hồ tiêu đòi hỏi phải đầu tư vốn và công sức khá nhiều, nhưng bù lại giá trị kinh tế và lợi nhuận thu được từ trồng hồ tiêu rất đáng giá để người nông dân lựa chọn, nhất là những nông dân ở vùng đất có lợi thế phát triển cây hồ tiêu.


Trước đây khi chưa tìm được cây sống thích hợp một số hộ dân thường trồng tiêu trên trụ chết như: xi măng, tường gạch, trụ gỗ...nhưng thực tế cho thấy trồng tiêu trên cây trụ chết trong điều kiện không che bóng có thể đạt được năng suất cao, nhưng kèm theo đó là sự suy kiệt nhanh chóng do ra hoa quả quá độ và sự bùng phát của nhiều loại bệnh nguy hiểm làm hủy diệt vườn tiêu. Trồng tiêu trên cây trụ sống cây cẩm lai là kiểu canh tác bền vững, vừa che bóng, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu.


Để bảo đảm vườn tiêu trồng trên cây cẩm lai sống sinh trưởng tốt, đồng đều, cho năng suất cao, ông Hoàng Văn Trác-hộ tham gia trồng thử nghiệm trụ tiêu từ cây cẩm lai (Dương Thuỷ, Lệ Thuỷ) lưu ý những người trồng tiêu cần phải chú ý tới các biện pháp kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách trồng giữa cây hồ tiêu và cây cẩm lai. Ngoài ra, khâu chăm sóc cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.


Việc phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây sống làm trụ cho tiêu như cây cẩm lai không những đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần hạn chế được tình trạng các cánh rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại cạn kiệt.


Hiền Phương